Làm thế nào để làn sóng dư luận chống phá hơn 600 hecta rừng tự nhiên ở Bình Thuận có thể đi xa hơn?

Ngày 4/9/2023 sau khi một tờ báo lớn của Việt Nam đưa tin tỉnh Bình Thuận sắp triển khai dùng 680 hecta đất lâm nghiệp trong đó 620 hecta là đất có rừng để làm hồ chứa nước, công luận lập tức phản ứng với các bài chia sẻ trên mạng xã hội. Các tờ báo lớn khác cũng nhanh chóng lên tiếng. Ba ngày sau đơn thỉnh cầu bảo tồn hơn 600 hecta rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh do Lê Ngọc Thành (Bee Le - Thạc sĩ Xã Hội Học, chuyên ngành Phát Triển) khởi xướng bắt đầu được lan toả và sau 10 ngày đã thu thập được hơn 15.000 chữ ký.

Đây không phải lần đầu tiên đất rừng bị lấy để làm hồ chứa nước phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Đây cũng không phải thảm họa mất rừng một cách hợp pháp đầu tiên khiến người dân đau xót. Tuy nhiên, nếu như trước đây phản ứng đặc thù là tặc lưỡi trong bất lực thì giờ đây ngày càng nhiều người chọn lên tiếng. 

Dự án làm hồ thuỷ lợi Ka Pét của tỉnh Bình Thuận được Quốc Hội thông qua từ năm 2019. Ngân quỹ trung ương và địa phương đã sẵn sàng để triển khai trong khung thời gian được phê duyệt là đến năm 2025. Vì vậy, chính quyền địa phương có thể làm ngơ và lẳng lặng tiến hành. Việc tỉnh tức tốc tổ chức họp báo và sự xuất hiện của các bài báo đứng về phía dự án là minh chứng tích cực cho sức mạnh của công luận: sự việc đã đủ “nóng" để tạo tranh luận và giật “tít'. Tất nhiên khả năng gần như tuyệt đối là dù bằng chứng và lập luận của phía bảo vệ rừng có thế nào, địa phương vẫn sẽ triển khai theo kế hoạch. Là tổ chức đào tạo, thúc đẩy và liên kết các phong trào dựa vào người dân để mang lại thay đổi tích cực cho môi trường và xã hội, Rise thấy dấu hiệu đáng mừng trong sự việc này là ý thức lên tiếng của cộng đồng. Niềm tin vào “thay đổi trong tầm tay" là điều kiện tiên quyết để phát triển một xã hội dân sự tại Việt Nam.

Như hầu hết các làn sóng phản đối từ công luận khác, việc chống phá 620 hecta rừng lần này chỉ có tính tức thời và tạm thời. Tác động của nó chưa cao và không có tính bền lâu do thiếu sự bài bản của một chiến dịch dưới góc nhìn phong trào xã hội. Trong khoá đào tạo cơ bản về tư duy phong trào của Rise, một trong những bước đầu tiên cần làm cho chiến dịch là định vị các bên liên quan và chuẩn bị các giải pháp ứng xử phù hợp.

Lập luận từ phía dự án về việc cần nước hơn rừng có thể được phản bác một cách khoa học và đơn giản. Chi tiết và độ tin cậy của các chuyến thanh tra nhằm quyết định xem việc phá rừng có cần thiết không hay có thể làm hồ chỗ khác hoặc tìm giải pháp khác cho nhu cầu trước mắt đều thiếu thẩm định khách quan. Những ý kiến cho rằng rừng này không đủ giá trị cho con người để giữ thể hiện sự thiếu hiểu biết về hệ sinh thái và vị thế của con người trong tự nhiên mà một chút phổ biến kiến thức có thể dập tắt. Tuy nhiên, do không có người tổ chức chiến dịch, những lập luận từ phía dự án đã không được phản bác thích đáng và đầy đủ. Dư luận xoay theo ý kiến riêng của các cá nhân trong đó có các KOLs mà họ tiếp cận được, không ít trong số đó là quan điểm hùng hồn trên cơ sở thiếu tìm hiểu, kiểm tra nguồn tin và dẫn chứng. Những người không có hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của rừng tự nhiên so với rừng được trồng mới hoặc thấy thông tin nhiều chiều không rõ thực hư sẽ chọn phương án đứng ngoài các luồng dư luận. Trong khi đó, nếu được trang bị kiến thức đầy đủ, họ có thể từ trung lập trở thành đồng minh. Ngoài ra, truyền thông chiến lược sẽ không chỉ dừng ở thế bị động, nó sẽ chủ động hướng và nuôi dư luận để sự việc được quan tâm trong thời gian dài hơn và có thể vượt qua tính nhất thời của tin tức.

Một chiến dịch hiệu quả cần có mục tiêu rõ ràng và thực tế. Trong trường hợp này, khi việc xoay chuyển tình thế hoàn toàn được coi là không khả thi, chiến dịch có thể đặt ra mục tiêu là tạo sức ép để phía dự án hạn chế các tác hại đã được xác định đến người dân bản địa và môi trường hay chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn khi thực thi các cam kết của họ. Chiến dịch cũng có thể chỉ dừng lại ở việc tăng mức độ tham gia và cam kết của những người ủng hộ. Việc bảo vệ rừng là phản xạ trực giác rất tự nhiên của hầu hết mọi người đây là một lợi thế để dựa vào và khai thác. Khi tăng hiểu biết cho người dân, chiến dịch không những giúp họ giữ vững quan điểm khi gặp các lập luận trái chiều mà còn nuôi dưỡng tinh thần của họ cho phong trào bảo vệ rừng nói chung. Đây sẽ không phải lần cuối cùng rừng tự nhiên bị đánh đổi vì lợi ích kinh tế trước mắt và cái nhìn thiển cận về ảnh hưởng toàn diện. Nếu tình yêu tự nhiên của phần lớn người dân và hiểu biết về hiểm hoạ môi trường của họ được tăng lên qua những chiến dịch bài bản thuộc một phong trào dân sự có tổ chức thì rất có thể một ngày kia, một cánh rừng khác sẽ được bảo tồn.

Rise

Thay Đổi Trong Tầm Tay

Shin Tran